Vụn vặt – Quanh ta

Con đường tôi đi …

IMG_1840

Con đường tôi đi …

Santa ana River Trail and Talbert Park in Orange County – California

IMG_8382

Cali mùa xuân năm nay giống năm trước, cũng ảnh hưởng bão nên nhiều mưa, ngập lụt, một số vùng đồi núi cao nhà bị trợt, con đường dọc theo bờ sông Santa Ana hôm nay như chưa tươi tỉnh lại, trời nhiều mây xám và cảnh vật còn ướt át, không khí lành lạnh. Người co ro, cong lưng, rướn đạp vì gió ngược, hơi mệt, mang theo chút buồn vu vơ …

IMG_8290


Con sông chạy dọc thành phố hiếm khi đầy nước như bữa nay, nhìn khá sạch sẽ vì rác rến hai bên bờ bị lùa trôi theo giòng mất tiêu. Bày vịt luống cuống tìm những cù lao nhỏ, chỗ gù trên mặt nước, nơi gò cao mà tụ tập, nước còn chảy khá mạnh nên chúng ngại? không tìm ăn, chắc đang ngao ngán, nghỉ ngơi, nhìn con nước trôi, chúng chờ nước rút? hay chờ gì? chờ ai, chờ thời?

IMG_8298
IMG_8302

“Chờ ai, chờ đến bao giờ?”
Chờ mùa hoa vàng, năm rồi nở rộ đẹp lắm, đạp xe giữa một rừng hoa trải dài 2 ven đường, thật thích, chốn hoang sơ này nằm ngay trong thành phố hàng xóm Costa Mesa mà ít ai để ý. Hăm hở đi ngay sau những cơn mưa xuân, nhưng đầu tháng 3, vẫn còn quá sớm.

Lên xe đạp tiếp, đường ra biển còn dài … trail này an toàn, sạch sẽ, nghỉ được vài tuần thong dong, thảnh thơi là ngồi lên yên, con ngựa sắt với 2 bánh xe lăn đều. Mưa lại bắt đầu lất phất rơi, dọc đường hoa cúc dại lưa thưa nở sớm, chúng nhìn ảm đạm vì thiếu nắng. Tuy nhiên lượng mưa đến nhiều hứa hẹn một mùa hoa rực rở trong vài tuần tới, nhất là khi dừng chân nghỉ ở khu công viên hiền lành, sạch sẽ, chỗ đó như thung lũng nhỏ, nhìn lên cao, thấy cả rừng hoa cải vàng hòa reo với gió. Khu này như ít người biết, chỉ thấy lác đác vài người đi bộ. Không gian tĩnh lặng, riêng tư cũng tạo cảm giác thoải mái.

*

Ecology System and Bolsa Chica Trail.

IMG_8404

Bữa nay lộ trình thay đổi, khám phá đường đi bộ và xe đạp (bike trail) bên trong hệ sinh thái gần nhà.
Vài hàng về Hệ sinh thái là khu bảo tồn tự nhiên, nên sinh, thực vật được bảo vệ, nuôi dưỡng, gìn giữ hoang sơ, nằm trên cao hơn so với mực nước biển, đứng trong này không bị giới hạn tầm nhìn ra biển. Ngăn đôi giữa bờ biển và hệ sinh thái, là đường Bờ biển Nam Thái bình dương (Pacific Coast High-Way – PCH), con đường PCH chạy dài từ nam chí bắc nước Mỹ, phía cực tây. Đạp xe trên những mô đất đắp dọc theo những con kênh thấy đất trời rộng rãi. Theo lời dân địa phương khu này còn được gọi là “Cái túi nhỏ” (Little pocket). “Túi nhỏ” tuy chỉ rộng hơn 5 cây số vuông nhưng có tới cả ngàn sinh, thực vật. Ngoài cá tôm dưới nước, hơn 2 trăm loài có cánh bay, như chim, cò, vịt trời …
Phía đầu kênh đào có hệ thống đập nhỏ, chỗ cống xả, nhằm điều tiết nước, thường có chị cò màu xám đen thật lạ, hầu như kỳ nào đi ngang cũng gặp. Chị ta khá to, già, nhìn chắc cũng đã qua … tuổi hưu, trông gầy còm, xác xơ, chị luôn đứng trầm ngâm, suy tư, gẫm chuyện thời thanh xuân hay đang nghiên cứu cách nào cho cú mổ thật chính xác, sao cho no bụng chiều nay.

*


Đạp xe nơi “Túi nhỏ” đôi khi cũng nhìn thấy vài chú chó sói (Coyote) bên kia hàng rào an toàn, đang lang thang tìm gì đó? chả thế mà thấy biển báo có thú dữ hoạt động. Hệ sinh thái còn hấp dẫn thêm vì có 3 con Osprey (diều hâu biển) dùng làm nơi trú ngụ theo mùa? chúng từ đâu di cư đến đây? loại chim nhìn hùng dũng, đẹp, thường đậu khá cao, chót vót trên những nhánh cây khô, những con diều hâu này săn bắt cá rất tài. Mỗi khi có tin báo Osprey hiện diện từ các đài truyền hình địa phương là thấy khá đông nhiếp ảnh gia với ống kính (lens) ngắn, dài, máy chụp hình tối tân, quy tụ về đây canh chụp những động tác vồ mồi của chúng, có người ra từ sớm, đôi khi chờ cả ngày. Ngoài máy móc lỉnh kỉnh thấy có cụ còn mang theo lunch box, nước, vừa chờ chim vừa nhâm nhi, tai mang ear phone nghe nhạc, … cụ ý thiệt là tận tụy.

Anh bạn cười lải nhải mấy câu nhạc chế:

“Chờ ai như thể chờ chim
Chim bay biển bắc tui chờ biển nam”, hi hi

Bèn lò dò ghé thăm, thấy không khí yên lặng nơi rình mò, tập trung, họ đóng quân từng nhóm ở những điểm phục kích thuận tiện, chuyện trò thì khe khẽ, nói nhỏ như sợ quân địch kia nghe ồn ào bay vù mất! Một chị chụp “prồ” (professional) cho biết sau khi bắt dính được con mồi, chúng thường mang con cá xấu số bay trở lại đây thưởng thức, bữa đó quả nhiên may mắn vì có 1 chú sau khi bắt được mồi, bay vòng về đậu ngay trên cành thật cao gần đó, thế nên tiếng máy chụp bấm tí tách rẹt rẹt, bấm “napal” rền vang. Mình cũng đưa I-phone “cùi bắp” lên làm vài “nháy” khiêm nhượng.


Nơi đây về kỳ hoa dị thảo thì không có gì đặc sắc ngoài ít cây xương rồng, hoa cúc vàng, những cây cổ thụ chết khô vì bị tràn nước mặn và dầu hỏa ảnh hưởng! hệ sinh thái Bolsa Chica thực ra lý tưởng cho người đi bộ với nhiều lối đi được mở rộng bên cạnh hay giữa lạch nước, ta có thể len lỏi xuyên rừng nhỏ, lên, hay xuống dốc. Vì khu vực này cao hơn mặt biển nên mỗi buổi chiều về, dù đứng từ xa, vẫn thưởng thức được toàn cảnh hoàng hôn (sunset view), một dải bầu trời thật rộng, lên màu cam, màu hồng, trời xanh mây trắng làm nền cho mặt trời lặn về phía tây, ta dõi theo quả cầu lửa từ từ chìm xuống, mất từng phần trên biển thật đẹp lung linh. Trong mênh mông yên lặng, con người cảm nhận được sự đến và đi, từ bao đời? thường suy nghĩ vẩn vơ, như dòng sống của chúng ta rồi cũng phải như thế. Đi đâu? thành 1 vì sao? hay lại thấy nắng bình minh, huy hoàng rực rỡ, tái sinh nguồn sống mới?

Bữa qua đi bộ rồi thì nay đi xe đạp, Bycycle trail dọc theo bờ biển khá dài, đạp 8 dặm rưỡi từ Sunset Beach (Bolsa Chica State Beach) xuống Huntington Beach Pier (HBP), dặn lòng bữa nào can đảm chạy thẳng xuống Newport Beach, thêm 7 dặm nữa, nơi ngừng chân nghỉ, để thấy con đường đạp ngược trở về khởi điểm sao dài quá mà ngao ngán, thử 1 lần rồi, giờ chỉ tới HBP thôi vì đường dài vô chừng mà sức người thì có hạn!

1

CREATOR: gd-jpeg v1.0 (using IJG JPEG v62), quality = 82

Huntington Beach Pier (HBP)

Dừng xe nghỉ chân nơi Huntington Beach Pier (cầu xây đi bộ ra biển dài khoảng nửa cây số) đôi khi được thưởng thức những sinh hoạt vui chơi, thi đua, như thi lướt ván (trợt sóng), bờ biển Huntington Beach City ngoài sạch sẽ, đẹp, còn nổi tiếng với những ngọn sóng cao vút, nên được gọi là “Thành phố lướt sóng” (Huntington Beach – The Surf City), môn thi lướt sóng mùa hè hàng năm luôn được tổ chức tại đây, điểm quy tụ những tay trợt đến từ khắp nơi trên thế giới, kéo theo khách du lịch, mang lại nguồn lợi kinh tế dồi dào. HBP có thi bóng chuyền đôi trên cát, trình diễn văn nghệ ngoài trời bởi những Local Country Band thường xuyên vào những ngày cuối tuần, thấy có bảng ghi chương trình giải trí hàng tháng luôn thay đổi?

  • – Tụ họp nơi sân khấu bậc thềm lộ thiên có thêm hội trống tạm gọi “Hội trống hầm bà lằng” khá đông, họ mang trống đến từ khắp nơi, hội không phân tuổi tác này tập trung với đủ loại trống nhưng chủ yếu là trống “Bongo” do các tay “vỗ” chuyên nghiệp lẫn tài tử, họ hòa tấu trống, có đến cả trăm cái trống bố, trống con, trống chú, bác, to nhỏ, “cắc cắc, bum, bum” nghe rộn ràng, sinh động, không loạn nhịp, có bài bản, tuy không thấy ca sĩ, nhưng lâu lâu có tiếng hú “Yahoo” chung nghe cũng là lạ, hay hay. Nhạc trống này có lẽ của người da đỏ, xập xình, cũng “chõi” dữ lắm (pick up beat), nó kích thích, nghe phê phê, làm ta giựt giựt cả người, vài cặp đôi đứng lên lắc lư nghiêng ngả như con tàu vượt sóng trùng khơi. Luôn thấy ông già với trang phục tù trưởng da đỏ (permanent) đứng nhảy múa theo nhịp điệu. Bạn nào thuở nhỏ thích xem phim cao bồi, da trắng uýnh nhau với người thổ dân Mỹ có lẽ sẽ thấy hay hình dung, liên tưởng đến những hình ảnh xung đột, ngồi trên lưng ngựa, cung tên độ nòng súng! ở thời gian lập quốc xưa của họ.
    Chợt nghĩ tìm đâu ra được “trống cái” của Việt Nam nhỉ, bạn nào cho mượn? mình sẽ liều mạng khiêng trống cái ra đó giới thiệu tí văn hóa “Cái đình làng”.

ukeleyukeley1

Jambalaya, jambalaya …

Ảnh: Hòa nhạc đàn Ukulele.
– Sau trống thì tới đàn, HBP có hội đàn Ukulele, với đủ mọi sắc dân, trắng, đen, vàng, đỏ … họ từ những đâu đến nơi này, khoảng 6,7 chục, chăm chỉ tận tụy với cây đàn. Đàn Ukulele chỉ 4 dây, nhỏ bé xinh xinh. Nếu dừng chân thưởng thức, bạn sẽ được nghe “Amazing Grace”, “God bless Ameria” hay “Jambalaya” vang vọng trong buổi chiều ngập nắng, họ đồng ca chen tiếng gảy tưng tưng nghe hay lắm, thường có 1 giáo sư dẫn dắt giới thiệu trước mỗi ca khúc trình diễn. Nhìn những bàn tay rải lên xuống đều, lòng chợt đôi chút cảm nhận về người Mỹ, đa số lớn tuổi nhưng vẫn tham gia những lớp về âm nhạc, học sử dụng 1 loại nhạc cụ đơn giản, đàn Ukulele có lẽ dễ chơi, rồi cùng hẹn nhau tụ họp nơi đây, cùng gảy, vừa vui ca, tận hưởng gió biển. Có lẽ khi không còn vất vả về sinh kế (về hưu) nên tìm chút bận rộn gì đó. Kiểu giải trí ở lãnh vực văn nghệ như nhóm gảy đàn Ukulele này, tuy có hơi thách đố vì phải học hỏi chút, nhưng âm nhạc, nghệ thuật đem lại trí thức. Vả lại có cơ hội miệng ca, tay đàn, nhìn chung, ai cũng thư giãn. Bà con tìm thử trong hình, có thấy 1 ngưởi “Mỹ gốc Việt” nổi tiếng tham gia hội Ukulele nữa đấy.

Bạn có nghĩ hội trống Bongo, đàn Ukeley biểu diễn ngoài trời là 1 nét đẹp văn hóa của người Mỹ.

IMG_8425
IMG_8422
  • HBP này khi gió biển thổi vào bờ còn là mùa của hội thi thả diều (kite), nhìn cả trăm con diều với đủ hình dáng, màu sắc, lắc lư, phất phơ bay, lên xuống đủ kiểu, bay bay như đời ta giông bão!
  • HBP cũng là nơi đoàn quay phim của Hollywood thường chọn đến, đôi lúc họ khoanh vùng, bên trong có tài tử ăn mặc đẹp diễn.

Tóm lại, nghỉ chân tại HBP tuy vui chơi nhưng cũng có nhiều điều mở mang, cho ta mở rộng tầm nhìn.

  • HBP nhằm ngày thứ ba hàng tuần đặc biệt có họp chợ trời, lại phải đi thăm một vòng, tuy chỉ vài lốc đường, nhưng mỗi ngã tư đều có 1 ban nhạc trình diễn, đủ màu sắc, Rock, Jazz, Popular music … HBP gần vùng Little Sài gòn nên người Việt ra đây cũng nhiều, thấy có anh chị đứng bán gian hàng, chợt nghĩ giá có Vietnamese band, dàn ca sĩ Thúy Nga?

Chợ trời họp trong tuần này chỉ thấy bán đồ lưu niệm và nhiều quán bar, ăn uống, như vui chơi là chính. Xứ sở thanh bình, kinh tế thịnh vượng, nên đời sống người dân nói chung hạnh phúc. Chiến tranh liên quan thì ở mãi đâu đâu.


Lang thang xem các gian hàng, coi thiên hạ mua bán, hay ngồi nhâm nhi ly beer nơi quán lấn vỉa hè, nhìn người dân bản xứ, ông đi qua bà đi lại đông đúc, chợt thoáng thấy hình ảnh chợ nhỏ ven sông năm nào, hiện lên trong đầu, cũng lâu lắm rồi, khi còn tạm trú ngay trên quê hương mình, tha phương lưu lạc, tìm đường vượt biên!

Chốn xưa phố cũ, nơi ấy giờ có gì đổi khác?


Xuân Giáp Thìn, 2024

Trần Kim Bằng

Hình ảnh: Thổ dân da đỏ (from internet), các hình khác tác giả dùng Iphone 11 Pro.

IMG_1840

Posted in Activities, Article, Bài đọc hay, Cảnh đẹp, Du lịch, Events, Hồi Ký, Linh tinh, Quanh ta, Travel, Trần Kim Bằng | Tagged , , , , | Leave a comment

Cùng Chúc Xuân – Cao Huy Thế

Mừng chúa xuân về. Chúc các bạn Face-book năm mới Giáp Thìn sức khỏe tốt, luôn thăng tiến, vui tươi. Mời thưởng thức sáng tác mới với những hình ảnh sinh hoạt diễn hành Tết và hội chợ xuân hàng năm của người Việt hải ngoại vủng Little Saigon, Nam California – USA. TKB

https://www.youtube.com/watch?v=52DO2wJJgiE

Cùng Chúc Xuân

Nhạc và Lời: Trần Kim Bằng

Trình bày: Ca sĩ Cao Huy Thế.

1. Xuân về, vẳng tiếng pháo vui gần xa, nô đùa ngàn cánh én bay lượn qua. Mai đào khoe sắc thắm như tình ta, tưng bừng chào đón tết vui muôn nhà.

2. Ta cùng đi lễ chúc xuân đầu năm, ta cùng mừng đón chúa xuân về đây. Hoa cười rạng rỡ mắt môi ngất ngây, yêu người yêu mãi ước mơ luôn đầy. ĐK: …

3. Ta cùng nhau chúc tết cho mẹ cha, ông bà, cô bác các anh chị ta. Thương nghiệp may mắn. Chúc em học sinh, học hành chăm chỉ xứng danh quê mình.

4. Ta cầu mong đất nước luôn bình yên, hoa lòng nhân ái khắp trên mọi miền. Muôn người hạnh phúc ấm êm đoàn viên. Xuân về tan hết mối lo ưu phiền

ĐK: Xuân khoe tươi vui, muôn màu xuân nay đang về. Xuân tin yêu đời, dù đời trao nhau cay đắng. Mong ước nơi nơi, xuân về reo vui nhân thế. Cất tiếng ca vang, chúc mừng chúa xuân trên đời.

Bridge:

Ta đi trong ngày xuân. Ta bên nhau cùng nhau,

1. mừng chúa xuân về

2. mừng xuân đến đây

(repeat or la la la là la, la la la là la – mừng xuân ngất ngây)

Copyright 2018 – Trần Kim Bằng

PS. https://www.youtube.com/watch?v=52DO2wJJgiE

Posted in Activities, Nhạc Xuân, Sáng Tác Mới, Trần Kim Bằng, You tube | Tagged , , | Leave a comment

Hiện tượng ca sai lời bản nhạc gốc – Mạnh Kim

Tam sao thất bổn, sai lạc hết ý nghĩa của tác giả khi họ đặt bút sáng tác với nhiều cân nhắc! Đôi khi làm mất cái hay, giá trị của tác phẩm. Là người soạn nhạc, dù cá nhân mình chỉ là dân amateur cũng không hoan nghênh việc ca sai, hay tự ý thay đổi lời nhạc, gần đây chuyện này xảy ra khá nhiều. Thật buồn! TKB.


Hát Sai Lời – Khi Nhạc Vàng Trước 1975 Bị Tước “Quyền” Nguyên Bản

Hát sai lời các ca khúc kinh điển của làng tân nhạc Việt Nam không là hiện tượng nhất thời. Nó là một “đại dịch”! Nhiều ca sĩ thế hệ ngày nay, từ những tên tuổi hàng sao như Mỹ Tâm, Hồng Nhung, đến vô số ca sĩ phòng trà Sài Gòn, cứ tự đổi lời, hoặc không thuộc lời rồi tự chế, và cứ vậy mà ngây thơ hát; trong khi việc tìm lại lời gốc thật ra chẳng khó khăn gì…

Nghe Bài thánh ca buồn, buồn nhất là… nghe hát sai lời!

Một trong những ca khúc bị hát sai nhiều nhất, sai năm này qua năm kia, hết Giáng sinh này đến mùa Noel khác, là ca khúc Bài thánh ca buồn của nhạc sĩ Nguyễn Vũ. Đây là một trong những ca khúc Giáng sinh đẹp nhất của tân nhạc Việt Nam. Không như nhiều ca khúc Giáng sinh có giai điệu tươi vui, Bài thánh ca buồn nghe ray rứt và sầu cảm vô cùng. “Bài thánh ca đó còn nhớ không em? Noel năm nào chúng mình có nhau…”. Sự hoài niệm được nhắc da diết trong ca khúc có thể được xem là dòng hoài niệm đẹp mượt như nhung. Nó buồn nhưng làm ấm lòng. Nó khắc khoải nhưng làm ngây ngất. Nó nhẹ nhàng nhưng sâu thăm thẳm. Tuyệt phẩm được sáng tác cách đây nửa thế kỷ này (1972) từng được thể hiện tuyệt vời qua giọng ca Elvis Phương trước 1975. 50 năm qua, Bài thánh ca buồn vẫn vang vọng dịp Giáng sinh về. Và 50 năm qua, nhạc sĩ Nguyễn Vũ vẫn rầu rĩ với việc tuyệt tác của mình bị hát sai.

“Rồi một chiều áo trắng thay màu, em qua cầu xác pháo theo sau” đã bị vô số ca sĩ hát thành “Rồi một chiều áo trắng phai màu”. Nói về chữ nghĩa thì “thay” hẳn nhiên khác một trời một vực với “phai”. Điều đáng nói ở đây là việc đổi chữ đã làm mất đi ý nghĩa mà tác giả muốn nói. Trong khi nhạc sĩ Nguyễn Vũ muốn hàm ý chiếc áo trắng ngây thơ của em nữ sinh ngày nào bây giờ đã được thay bằng chiếc áo khác, khi “em qua cầu xác pháo theo sau” – có nghĩa là em trở thành nàng dâu trong lễ cưới với những tràng pháo đỏ đón em về nhà chồng, để lại lòng anh nỗi bùi ngùi thương cảm. Thế mà các ca sĩ cứ thích cho em mặc mãi chiếc áo trắng đến mức nó… phai màu. Mà áo trắng bị “phai” thì hơi… vô duyên. Áo đã trắng mà “phai” thì nó thành màu gì? “Màu cháo lòng à?” – nhạc sĩ Nguyễn Vũ có lần nói với một tờ báo.

Chưa hết: “Rồi những đêm thánh đường đón Noel”. Bản gốc của nhạc sĩ Nguyễn Vũ không phải vậy. Hát đúng phải là “Rồi những đêm thế trần đón Noel”. Chẳng hiểu ai là người đầu tiên biến “thế trần” thành “thánh đường” nhưng việc sửa này cho thấy “tác giả sửa” dường như  không hiểu ý tứ của tác giả gốc. Nhạc sĩ Nguyễn Vũ cho biết, sở dĩ ông dùng từ “thế trần” để muốn nói rằng Giáng sinh bây giờ không còn là dịp lễ riêng của người Công giáo. Nó đã trở thành một sinh hoạt văn hóa chung của tất cả, bất kể tôn giáo nào. “Thế trần đón Noel” – mọi người trên thế gian, trên trần thế này – cùng mừng vui hân hoan đón Giáng sinh.

Ảnh: Unsplash

Loạn hát sai

Bài thánh ca buồn không là ca khúc hiếm hoi được nhiều thế hệ yêu mến bị hát sai lời. Ca khúc Hoa tím người xưa của nhạc sĩ Thanh Sơn là một “nạn nhân” nữa. Hồi trước 1975, ca sĩ Giao Linh hát rõ ràng: “Rồi chiều nay lá khô rơi đầy có người nhìn buồn lây/Gom nhớ thương sưởi tình cô liêu ấm thêm lòng ít nhiều…”Lá rơi lả tả để nhạc sĩ Thanh Sơn có cái để mà “gom nhớ thương” và như vậy mới thấy được cái sầu buồn của tâm trạng, một nỗi buồn cho một cuộc tình đã chết. Ấy vậy bây giờ các ca sĩ thế hệ mới cứ muốn “lá thu” chứ không phải “lá rơi”, như thể cái buồn vương vất chỉ xảy ra vào mùa Thu…

Tương tự Bài thánh ca buồn, một trong những ca khúc bị hát sai dai dẳng nhất là Thành phố buồn của nhạc sĩ Lam Phương. Bản gốc của ông là “Rồi từ đó, trốn phong ba, em làm dâu nhà người”. Thế mà “trốn” đã bị biến thành “chốn”. Kể “từ đó”, vâng, từ đó, em không còn thiết tha gì nữa. Em trốn thôi. Em bỏ hết. Em chẳng muốn nhắc chuyện tình cũ với anh nữa. Em chấp nhận “làm dâu nhà người”. Chẳng lý gì mà “từ đó” rồi lại nhảy vào “chốn phong ba” để đến “nhà người” làm dâu…

Cũng không thể không kể một bài hát được hát sai “bền bỉ” nữa là Hoa sứ nhà nàng của nhạc sĩ Hoàng Phương. Mà bị hát sai ngay từ câu đầu. Bản gốc là “Đêm đêm ngủ mùi hương/Mùi hoa sứ nhà nàng/Hương nồng hoa tình ái…”. Ý của tác giả Hoàng Phương rằng, đêm đêm, khi ông ngủ, ông lại nghe thoang thoảng mùi hoa sứ nhà nàng. Chứ không phải đêm đêm ông… “ngửi” mùi hoa sứ nhà nàng. “Hương nồng hoa tình ái” ở đây là hương thoảng tự nhiên. Muốn hay không thì hương nồng vẫn bay đến, để cảm nhận, để xao xuyến, chứ chẳng phải “chủ động” hít hà “ngửi”…

Cần nhấn mạnh, khi sáng tác, gần như bất kỳ nhạc sĩ nào cũng thường mất nhiều thời gian để suy nghĩ chắt lọc câu từ. Một chữ của họ trong một câu hoặc một đoạn có khi gánh toàn bộ cái ý tứ và nội dung của ca khúc. Một chữ của họ không chỉ nói lên cảm xúc. Nó còn là cái hồn của tác phẩm. Trong bài Đêm đông của Nguyễn Văn Thương, chữ “rơi” trong câu “chiều chưa đi màn đêm rơi xuống” là một chữ hay đến rụng rời. “Màn đêm rơi” là một tuyệt tác ngôn từ. Đó là một từ tuyệt mỹ trong một tuyệt phẩm. Nó không thể thay thế được bằng chữ “buông” như nhiều ca sĩ thời nay hát. Trong bài Riêng một góc trời, tác giả Ngô Thụy Miên không phải tự nhiên “đặt đại” từ “mơ” trong câu “Nụ hôn đã mơ say, bờ môi ướt mi cay, nay còn đâu”. Phải nói rằng nụ hôn “đã mơ say” của Ngô Thụy Miên nghe muốn nổi cả da gà! Nó hay và đẹp vô cùng. Nó khác lắm với “nụ hôn đã mê say” – nghe tầm thường quá!

Ảnh: Unsplash

Trong một ca khúc khác của Ngô Thụy Miên – Dấu tình sầu, ông viết: “Ngàn năm cho giá băng hồn/Tuổi buồn gầy lên màu mắt”. Thế mà có người hát: “Tuổi buồn nầy lên màu mắt”. Và trong Tuổi thần tiên, nhạc sĩ Phạm Duy – bậc thầy về ngữ nhạc cũng như Việt ngữ – đã viết: “Ϲỏ trinh nữ tắm trong phấn thông mờ/Khi mưa về, e thẹn cỏ hoa”. Lại có người thay “e” bằng “em”. Ý tứ bị sai hết cả. “E thẹn” ở đây là “cỏ trinh nữ” được nhắc ở câu trên.

Và người ta không chỉ sai một hoặc vài chữ. Mỹ Linh và Mỹ Tâm là hai ca sĩ không chỉ hát nhầm hoặc sai lời mà còn tự ý thay nguyên cả câu! Trong bài Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui của Trịnh Công Sơn, Mỹ Linh tự “cải biên”, từ “Tôi đợi em về bàn chân quen quáthảm lá me vàng lại bước quathành “Tôi đợi em về bàn chân quen lốithảm lá reo mừng tựa vẫy tay. Nhắc đến Trịnh Công Sơn, cũng thấy rằng nhỡ mai trong cơn đau vùi” của ông trong bài Diễm xưa đã bị nhiều người hát thành nhớ mãi trong cơn đau vùi”. Nếu lỡ mai này (chưa xảy ra) không chỉ đã bị biến thành “xảy ra rồi” mà lại còn… “nhớ mãi”! Trong bài Hạ trắng, ca khúc quen thuộc đến mức gần như chẳng ai có thể quên hoặc hát nhầm câu “Gọi tên em mãi suốt cơn mê này, thì Mỹ Tâm đã hát: “Gọi tên em mãi chết trên sông dài. Ôi, “gọi tên em mãi”, Mỹ Tâm…

Điều đáng nói là tình trạng hát sai đã biến thành hiện tượng và từ hiện tượng trở thành thói quen, xảy ra ngay trong thời đại thông tin mà việc tìm lời bài gốc chẳng khó khăn lắm. Điều này không chỉ làm hỏng yếu tố mỹ cảm của ca khúc. Quan trọng hơn: Nó đang làm hư di sản của một nền âm nhạc.

Mạnh Kim

Link: https://nguoivietboston.com/?p=19082

Posted in Activities, Bài đọc hay, Ca từ (Lyric), Kiến Thức Âm Nhạc, Linh tinh | Tagged , , , | Leave a comment

Về thăm Chốn Cũ

July 2023 – Về thăm New Orleans – Louisianna

New Orleans 2023 (3)

Về thăm nơi chốn xưa sau khoảng thời gian dài thật dài, hơn 40 năm. Có lẽ đất Mỹ đâu cũng giống nhau nhưng thành phố New Orleans 2023 ít náo nhiệt hơn xưa, dù xe tứ mã chở du khách trên lộ Bourbon, French Quarter vẫn còn, hay thăm qua một số nơi người Việt sinh sống.

Trên đường đi quanh bờ hồ, nhìn từ không xa lắm để biết cây cầu dài nhất 25 dặm, đặc trưng của tiểu bang vẫn đó. Cơn bão Katrina gây thiệt hại hơn trăm tỷ cho tiểu bang Louisianna hồi 2005 làm thay đổi nhiều chăng? có vẻ như mọi sinh hoạt, sức sống của người dân chậm rãi lại. Thời gian vắng lâu hơn một thế hệ cho cảm tưởng như vậy. Lớp trẻ lớn rời gia đình ra riêng, các ông bà hồi đó cũng yên lặng ra đi từ thủa nào! Người cũ nay đâu? Đi qua những con phố thấy đìu hiu, vắng vẻ. Ít thấy ai ngoài đường bởi … quá nóng. Khí hậu rất oi bức dù đi trên phà, hay đứng bên bờ hồ vì “Heat Way” trong tháng bảy ghé ngang đây.

Nhân tiện thăm một vài nơi sinh hoạt chợ búa của người Việt mình, khu “Vẹc Xây” , “Hút lon”, nhà thờ “Đức mẹ La Vang” sao im lặng quá, không đông, hay bà con ta ra khơi đánh tôm cả rồi?:) nhớ hồi đó đồng bào mình trước khi đi tị nạn, định cư nơi này hồi 1975 họ đa số sống bằng nghề chài lưới nên hầu như gia đình nào cũng có tàu đi biển. Nghe loáng thoáng giá 1 pound tôm khô loại nhỡ bên đây khoảng $20, rẻ hơn order từ Cali.

Cà phê Du Monde, 24/7 một nơi nổi tiếng của New Orleans cũng thưa thớt, ghé vào thưởng thức ly cà phê và món “bánh tiêu?” truyền thống, tìm chút hương vị cũ. Mùi thơm chắc không thay đổi nhưng sức nhai giờ có hạn! Vẫn ông tây đứng giữ két, người phục vụ lấy order từ khách, dùng khay lấy cà phê, bánh … rồi trả tiền trước cho ông tây, sau đó mang ra, khách trả tiền họ sau. Hồi đó những công việc này ưu tiên cho sinh viên, giờ có lẽ khác vì đa số đứng tuổi, có cả người Việt. Tính hỏi chuyện nhưng ngại, có vẻ như break time, họ cần yên tĩnh, relax. Trời đêm mà sao oi bức!

Con đường âm nhạc không đông nữa rồi, chỉ 1 vài trình diễn ít ỏi giữa đường, không níu được chân người khách du lịch, tuy tai nghe vẫn đủ thể loại nhạc như Jazz, Rock, R&B, … nhưng giờ họ biểu diễn trong bar là chính. Để ý tìm ban Jazz kèn đồng 5,6 ông nhạc công nhưng không thấy, chỉ được 1 quán văng vẳng tiếng trumpet, có lẽ chụp loa kèn, bịt đầu, nghe “te te” vọng ra, nhưng dòng nhạc lạ quá, những ca khúc quen xưa đâu? nhạc giờ biến đổi theo thời thượng hay mình tới không đúng lúc. Trong đầu thì miên man nghĩ giá mà được nghe lại “Live” – “What A Wonderful World của Louis Amstrong” thêm lần nữa ở ngay chính nơi này, trái tim của nhạc Jazz, chơi bất cứ nhạc cụ nào, hay ai ca cũng được chắc thích thú lắm!

Thì ra về thăm nơi xưa, nhưng sao trong đầu vẫn mang máng nhớ nhiều những âm thanh, người cũ.

TKB.

Chia sẻ đôi giòng cảm nghĩ, vài hình ảnh lấy từ internet.

Link Face book:

Posted in Activities, Article, Cảnh đẹp, Du lịch, Events, Linh tinh, Travel, Trần Kim Bằng | Tagged , , , | Leave a comment

Spring 2023 – Visit Carrizo Plan California

Visit Carrizo Plan, see The San Andreas Fault in California Spring time.

Mùa đông năm nay lạnh quá, kéo dài mãi rồi cũng phải qua. Xuân tươi đến. Nhân dịp tháp tùng anh bạn vàng, ca sĩ kiêm nhiếp ảnh gia Đoàn Cẩn và Prồ Photographer YL, cho quá giang theo, mục tiêu là tìm chụp hoa California Poppy.

Đi cho biết đó biết đây… Trời cao đất rộng quanh mình bao la quá, thiên nhiên luôn cho hít thở không khí trong lành, tìm chốn rũ bụi trần gian, relax. Nơi đến là Carrizo Plan, Soda Lake, California. Khoảng 3 1/2 giờ lái xe nếu đi từ Little Sài gòn. Con đường chạy giữa đồi núi và hồ Soda Lake nay được tráng nhựa nên không còn cảnh bụi tung mịt mù như hồi 2017. Đây cũng là nơi có đường nứt San Andreas Fault của tiểu bang California, đường nứt từ vịnh San Francisco chạy dài tới ngay chỗ này là điểm cuối. Theo tiên đoán của giới địa chất thì mỗi năm đất đang đi chuyển khoảng gần 1 inch về phiá bắc, hứa hẹn sẽ có trận động đất lớn! thời điểm chín mùi cũng đã qua và nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào? bà con từ bao năm tới nay thì cứ hồi hộp chờ mãi, thôi thì “Trời kêu ai nấy dạ:)”, nếu động đất lớn xảy ra theo họ nói thì eo ơi, ngay trên đường nứt này, nó sẽ chia Cali ra làm 2 mảnh, nửa kia dạt ra biển tắm mát, nghe kể cũng thấy ơn ớn! hay là chỉ xuống xe cuốc bộ vài bước? chụp vài tấm ảnh rồi nhanh chân vù lên xe … rồ ga về cho lẹ. Nghĩ mông lung chẳng may mình tới đúng lúc? Chuyện giời đất nổi cơn thịnh nộ thì ai biết đâu?

Thực ra nếu động đất chia đôi Cali thì trái đất coi như tận thế, mình nghĩ vậy.

Từ exit freeway chạy mãi, đi giữa hai rặng núi cao, chắc cũng vài nghìn feet, nhìn dọc ngang, lên, xuống ta thấy sắc vàng, xanh của hoa cỏ phủ đầy tới đỉnh núi, quang cảnh thật tuyệt vời. Đến cuối đường số 7 là hồ Soda Lake, hai bên đường đi với những cánh đồng phủ đầy hoa dại, đủ màu sắc, ngút ngàn, phải chăng thiên đường là đây! Đặc biệt năm nay Cali mưa nhiều nên cây cỏ xanh tươi, thiên nhiên ưu đãi tặng nhiều loại hoa, trông như những tấm thảm vàng, tím, hồng bát ngát, trải lên lưng núi hay cả 1 vùng bình nguyên rộng lớn đẹp mê hồn, cho ta nhìn mê mẩn … về hoa thấy có tới 5,6 loại hoa cúc, từ viền cánh lớn cho đến loại cúc con nhỏ tí rất dễ thương được trồng? hay hoa dại? có lẽ nổi bật là hoa cúc nhí màu vàng đang mùa nở rộ, như tấm thảm hay áo khoác trên lưng các ngọn núi. Mặc dù đi tìm xem hoa dại Poppy, nhưng lại ít thấy poppy, đôi lúc thoáng trên lưng núi xa xa màu cam, nghĩ chắc là nó. Ngoài các loại hoa như cúc, đặc biệt còn có những vùng với loại cỏ lau, nhánh trông như cây chổi nhỏ, bay đều, ngả nghiêng, như thì thầm theo từng cơn gió. Đi theo dân nhiếp ảnh nên mình cũng chụp được ít hình về khoe. Mời bà con thưởng lãm cho vui. Không quên cảm ơn các anh chị nhiếp ảnh gia nhà nghề, đặc biệt chị YL còn chiêu đãi Lunch với món xôi thật ngon.

Spring 2023 -Trần Kim Bằng.

PS. Kèm theo ít hình chi tiết về đường nứt San Andreas Fault.

Máy xử dụng là: Camera Sony Alpha 7 II và I phone 11 Pro.

Posted in Activities, Article, Cảnh đẹp, Events, Linh tinh, Travel, Trần Kim Bằng | Tagged , , , , , | Leave a comment

Chuyện Nàng Tô Thị – Thanh Thảo

Ca khúc dựa theo truyền thuyết dân gian Việt Nam, kể về người thiếu phụ ôm con, chờ chồng mãi không về, hóa đá. Nhạc phẩm cũng mong như bó hoa thơm, vinh danh, gửi đến những người mẹ, chị em, người đàn bà Việt Nam nói chung, từ bao đời, với nhiều vất vả hy sinh cho chồng con, gia đình, qua bao lần đất nước chiến chinh, quốc nạn.
Nhóm thực hiện xin chân thành cám ơn những mạnh thường quân bảo trợ, tiếp tay, đóng góp ý kiến cho clip “Chuyện Nàng Tô Thị”. TKB.

Posted in Activities, Audio, Nhạc trữ tình, Sử Nhạc, Tình ca, Trần Kim Bằng, You tube | Tagged , , , , , , | Leave a comment

528 Hz (Nốt Mi) – Xinbuxinyouni

Âm nhạc ẩn chứa mật mã vũ trụ – Âm nhạc nào có tác dụng chữa bệnh tốt nhất?

Ngũ âm đối ứng với hành, và ngũ tạng trong thân thể con người. (Hình: Shenyun)

Âm nhạc không những không có biên giới quốc gia, mà còn không có ranh giới về thời gian và không gian. Âm nhạc là toán học, âm nhạc là thuốc trị liệu. Âm nhạc là sự rung động của các hạt lạp tử, âm nhạc là tần số. Âm nhạc là mật mã của vũ trụ, âm nhạc là một vị Thần. Âm nhạc tạo nên sinh mệnh.

Tuy nhiên, trong thế giới âm nhạc muôn màu muôn vẻ ngày nay, con người lại rất dễ cáu kỉnh, mất cân bằng, hoặc mắc các bệnh ung thư, bệnh tim… bệnh trầm cảm cũng đang gia tăng theo cấp số nhân, đặc biệt là những người ở các thành phố lớn, đâu là lý do?

Là do âm nhạc đã thay đổi con người hay con người đã thay đổi âm nhạc? Nhiều năm qua, các nhà khoa học vẫn đang khám phá một vấn đề, đó là tần số nào có lợi hơn cho sức khỏe thể chất và tinh thần của con người?

Các nhà khoa học đã nghiên cứu lịch sử, toán học, khoa học, âm nhạc, và phát hiện ra rằng, tần số trong khoảng từ 174 Hz đến 963 Hz có tác động rất lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Đặc biệt là 432 Hz, tần số này không chỉ đồng hành cùng âm nhạc trong nhiều năm, mà nó còn rất có lợi cho sức khỏe của con người.

Cũng có nhà khoa học cũng cho rằng, nếu bạn sử dụng tần số 528 Hz, hiệu quả sẽ càng tốt hơn. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2018 từ Nhật Bản đã phát hiện ra rằng, âm nhạc được điều chỉnh ở tần số 528 Hz giúp giảm đáng kể căng thẳng trong hệ nội tiết và hệ thần kinh tự chủ, ngay cả sau khi chỉ nghe 5 phút.

Hay theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu & Trị liệu Chứng nghiện (Journal of Addiction Research & Therapy), tần số 528 Hz làm giảm tác dụng độc hại của ethanol trong tế bào. Ethanol là thành phần chính trong đồ uống có cồn. Điều đáng kinh ngạc hơn nữa là tần số này cũng làm tăng tuổi thọ của tế bào lên khoảng 20%.

Vậy rốt cuộc thì tần số nào có lợi nhất?

Đầu tiên, chúng ta cần hiểu về khái niệm Hz. Đây là cách viết tắt của Hertz (đọc là Héc), là đơn vị đo tần số trong hệ đo lường quốc tế. Chúng ta đều biết đơn vị tính thời gian là giờ, phút, giây. Đơn vị Hz cho ta biết số lần rung động được thực hiện trong một giây. Ví như, một giây rung động một lần thì bằng 1 Hz, một giây rung động 432 lần thì bằng 432 Hz.

Thang âm cổ xưa bị thất lạc

Quay ngược thời gian về thời Trung cổ, năm 990 – 992, một nhà soạn nhạc và nhà lý luận âm nhạc vĩ đại đã ra đời ở nước Ý, ông là Guido d’Arezzo.

Ảnh: Guido d’Arezzo được mô tả trong một bản thảo thời Trung cổ. (Miền công cộng)

Thời niên thiếu, ông theo học tại Tu viện Pamposa nổi tiếng ở miền bắc nước Ý. Ông phát hiện ra rằng, trong khi các tu sĩ đang hát thánh ca Gregorian, họ luôn gặp khó khăn trong việc ghi nhớ các nốt nhạc và âm tiết.

Để giúp các tu sĩ hát thánh ca, trên cơ sở của những người đi trước, ông đã phát minh ra khuông nhạc với 5 dòng kẻ, và xác lập phương pháp xướng âm (Solfege) gồm 6 âm mà chúng ta quen thuộc ngày nay, gồm “Ut, Re, Mi, Fa, Sol, La, Si”. Về sau “Ut” được đổi thành “Do”.

Sau đó, ông biến 6 âm trên thành ba nhóm sáu âm lần lượt bắt đầu từ G (Sol), C (Do), và F (Fa). Đây chính là thang âm, còn gọi là âm giai.

Ngoài ra, để tiện cho các tu sĩ ghi nhớ, ông còn thiết lập khái niệm ‘quãng tám’. Dùng ký hiệu bàn tay để thể hiện các nốt, đây chính là “xướng âm theo ký hiệu tay” (Solfege Hand Signs) nổi tiếng trong lịch sử. Guido d’Arezzo được mô tả trong một bản thảo thời Trung cổ. (Miền công cộng)

Trong thập niên 1950, nhạc sĩ người Mỹ gốc Đức – Tiến sĩ Willie Appel, đã viết cuốn sách tên là “Tuyển tập lịch sử âm nhạc” (Historical Anthology of Music). Cuốn sách này tập trung rất nhiều vào âm nhạc thời Trung cổ và thời Phục hưng. Thời trẻ, Tiến sĩ Appel nghiên cứu toán học. Sau Thế chiến I, ông bắt đầu quan tâm đến âm nhạc và trở thành một nhạc sĩ toàn thời gian. Năm 1936 sau khi lấy bằng Tiến sĩ, ông di cư sang Hoa Kỳ và lần lượt giảng dạy tại Đại học Harvard và Đại học Indiana. Trong nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Appel phát hiện rằng, ông Guido d’Arezzo có lẽ là người đầu tiên phát minh ra thang âm sau khi cải biên một bài thánh ca (Hymn) do một tu sĩ viết về Thánh John the Baptist vào thế kỷ thứ 8.

Về tần số ban đầu của các nốt trong bài thánh ca này, các nhạc sĩ và nhà khoa học ngày nay đã thử nghiệm và phát hiện rằng, chúng là các tần số 396 Hz (Do), 417 Hz (Re), 528 Hz (Mi), 639 Hz (Fa), 741 Hz (Sol) và 852 Hz (La).

Nhưng điều kỳ lạ là không biết tại sao đến thế kỷ 16, những thang âm này đã bị thất lạc. Có những ý kiến ​​​​khác nhau về nguyên nhân của sự thất lạc này. Một số người cho rằng đó là vì sự xuất hiện của âm nhạc hiện đại đã thay thế thang âm cổ xưa. Một số khác lại cho rằng đó là vì đấu tranh chính trị và tôn giáo thời Trung cổ đã khiến thang âm kia biến mất. Còn theo thuyết âm mưu, sự thất lạc đó liên quan đến âm mưu đằng sau Kinh Thánh và nhà thờ Công giáo La Mã.

Giờ đây, ngày càng có nhiều người bắt đầu nhận ra, sự biến mất của những thang âm cổ xưa này không chỉ đơn giản là sự biến mất của những nốt nhạc, mà là con người đã mất đi mối liên hệ sâu xa với vũ trụ. Nó ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người cũng như sự thăng hoa của tâm linh. Tại sao lại nói như vậy?

Thiên – nhân đối ứng

Người phương Đông cổ đại đề cao “Thiên – Nhân hợp nhất”, tức trời và người là một, các biến đổi trên trời sẽ là báo hiệu cho những biến đổi ở thế gian con người. Cách nói này phù hợp với tất cả các ngành khoa học tự nhiên và nhân văn, bao gồm cả âm nhạc.

Ngay từ thời thượng cổ, cuốn “Hoàng Đế Nội Kinh” đã nói vô cùng chi tiết về việc âm nhạc đối ứng thế nào với mối quan hệ giữa trời và người. Trong sách có đoạn Hoàng Đế hỏi Kỳ Bá rằng: “Trẫm nghe nói con người tương hợp với Thiên Đạo, bên trong con người có ngũ tạng, đối ứng với ngũ âm, ngũ sắc, ngũ thời, ngũ vị, ngũ phương vị; bên ngoài con người có lục phủ, đối ứng với lục luật … Vậy nên lục phủ ngũ tạng này ứng với Thiên Đạo”.

Cũng chính là nói, âm nhạc ở nhân gian là đến từ Thiên thượng, nó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến lục phủ ngũ tạng của con người. Ngũ âm đối ứng với ngũ hành, và ngũ tạng trong thân thể con người. (Hình: Shenyun)

Nếu nói theo ngôn ngữ hiện đại thì lục phủ ngũ tạng của con người đối ứng với quy luật vận hành của thiên thể vũ trụ. Điểm này đã được khoa học hiện đại kiểm chứng. Các nhà khoa học phát hiện rằng, thang âm thời cổ xưa có sự nhất trí về mặt toán học với vũ trụ. Tần số của âm nhạc là một tổ hợp 9 âm điệu của điện từ, chúng có năng lượng chữa bệnh và nâng cao tinh thần. Thang âm cổ xưa này có tiềm lực to lớn và thâm sâu trong việc chữa lành vết thương, cởi mở nhận thức tâm linh, tăng cường các mối quan hệ, sửa chữa ADN (tiếng Anh là DNA)…

Chúng ta đều biết rằng, sự vận động của vạn vật trong vũ trụ là sự dao động và cộng hưởng của các hạt (hạt vật lý, còn gọi là ‘lạp tử’, tiếng Anh là ‘particle’). Sự dao động và cộng hưởng của các hạt tạo ra tần số dao động.

Điều tương tự cũng xảy ra với các hành tinh trong Hệ Mặt trời của chúng ta, chúng cũng có tần số rung riêng, đồng thời có tần số cộng hưởng với vũ trụ.

Đơn vị biểu thị tần số dao động này là Hz. Dải tần số rung động của âm thanh mà tai người có thể nghe được trong một giây là từ 20 Hz đến 20.000 Hz.

Cơ sở của âm nhạc truyền thống cổ xưa được kiến lập dựa trên dải tần của thang âm từ 174 Hz đến 963 Hz. Người xưa cho rằng, những âm tần này có thể có tác động tích cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người.

Nếu chúng ta quay trở lại thế kỷ thứ 8, sẽ thấy rằng về các bài thánh ca Gregorian được hát bởi các tu sĩ thời Trung cổ, còn cả những bài thánh ca bằng tiếng Phạn của Ấn Độ, tần số của chúng đều giống hệt với các bài thánh ca đơn âm (Mono) của Công giáo La Mã (Mono là âm thanh phát ra từ một nguồn duy nhất, người nghe sẽ cảm nhận được rằng âm thanh ấy đang được phát ra từ một tụ điểm trong không gian).

Nếu chúng ta quay trở lại thế kỷ thứ 9 và thứ 10, sẽ thấy loại thang âm cổ xưa này đã vô cùng thịnh hành trong các tu sĩ Cơ Đốc hay các nhà sư tiếng Phạn ở Ấn Độ.

Tìm lại thang âm cổ nhờ áp dụng toán học vào âm nhạc

Đến những năm 1970, một nhà khoa học không mấy danh tiếng trong một dịp tình cờ đã lại phát hiện ra những tần số thang âm cổ xưa đó. Phát hiện này đã mang đến cơn địa chấn và sự hồi sinh cho thế giới tinh thần của nhân loại.

Nhà khoa học ấy vốn là một bác sĩ, ông tên là Joseph Puleo. Lúc bắt đầu, vì để nghiên cứu Kinh Cựu Ước, Tiến sĩ Puleo đã vận dụng phương pháp quy giản con số về số đơn của Pythagoras (Py-ta-go) và phát hiện ra một mô hình dãy số lặp lại.

Pythagoras là một triết gia, nhà toán học và nhà lý thuyết âm nhạc thời Hy Lạp cổ đại. Ông cho rằng toán học có thể giải thích mọi thứ trên thế giới, bao gồm cả âm nhạc. Hết thảy chân lý đều có thể dùng tỷ lệ, bình phương và hình tam giác vuông để phản ánh và chứng thực. Ông từng sử dụng toán học để nghiên cứu nhạc luật. Từ đó nảy sinh khái niệm âm luật “hài hòa”. Khái niệm này đã có tác động lớn đến các nhà triết học Hy Lạp cổ đại sau này như Plato và Socrates.

Niềm tin rằng ‘toán học có thể giải thích mọi thứ trên thế giới’ cũng có tác động sâu sắc đến Tiến sĩ Puleo.

Trước tiên, Tiến sĩ Puleo cộng các chữ số trong một số lại với nhau rồi giản hóa thành một chữ số. Ví dụ, 18 có thể được tách rời và đơn giản hóa thành 1+8=9.

Nếu sau khi được giản hóa một lần mà số ấy vẫn là số có hai chữ số, vậy chỉ cần lặp lại quá trình này. Ví dụ: 184 có thể được tách rời và đơn giản hóa thành 1+8+4=13, rồi lại lặp lại quá trình trên để có được số có một chữ số là 1+3=4.

Khi Tiến sĩ Puleo áp dụng cách đơn giản hóa này vào câu 12 trong Chương 7 của Kinh Cựu Ước, ông đã phát hiện được một quy luật, đó là cứ mỗi 6 câu sẽ lặp lại cùng một dãy số. Ví dụ các câu 12, 18, 24 và 30 đều lặp lại dãy 4, 1, 7; còn câu 13, 19, 25 và 31 thì lặp lại dãy số 3, 9, 6. Mà 417 và 396 lại là hai thang âm xuất hiện sớm nhất và cổ xưa nhất: 396 Hz = Ut/Do; 417 Hz = Re.

Sau đó bằng cách lặp lại quá trình này, ngoài 6 tần số nguyên bản 396 Hz, 417 Hz , 528 Hz, 639 Hz, 741 Hz và 852 Hz, Tiến sĩ Puleo đã phát hiện thêm 3 tần số mở rộng, bao gồm: 174 Hz, 285 Hz và 963 Hz. Ông còn phát hiện ra một bí mật, đó là mỗi một tần số này có tác dụng chữa bệnh riêng.

Tác dụng chữa lành của mỗi một tần số âm thanh

Ngày nay, tác dụng chữa bệnh của những tần số âm thanh này đã đạt được sự đồng thuận cơ bản từ các nhà khoa học:

  1. 174 Hz có đặc tính giảm đau và gây mê.
  2. 285 Hz có thể sửa chữa các tế bào và sửa chữa cơ thể, cải thiện khả năng miễn dịch và có khả năng tái sinh.
  3. 369 Hz có thể giúp mọi người giải phóng nỗi sợ hãi và cảm giác áy náy.
  4. 417 Hz có thể giúp mọi người giảm nhẹ tổn thương về tinh thần và tiềm thức, tiêu trừ khó khăn, cải thiện cuộc sống.
  5. 528 Hz là một tần số kỳ diệu, có thể mang lại sự chuyển biến sâu sắc cho con người, nó thậm chí có thể giúp con người sửa chữa ADN.
  6. 639 Hz có thể giúp chúng ta chữa lành các mối quan hệ căng thẳng và tạo các mối quan hệ mới, cải thiện các kết nối và mối quan hệ của chúng ta với những người xung quanh.
  7. 741 Hz có thể giúp chúng ta mở lòng, giãi bày nội tâm, chia sẻ với thế giới xung quanh.
  8. 852 Hz có thể đánh thức trực giác, cân bằng tinh thần.
  9. 963 Hz có thể giúp nâng cao và thức tỉnh tâm linh, kết nối với Đạo của vũ trụ.

Theo sau khám phá của Tiến sĩ Puleo, ngày càng có nhiều kết quả nghiên cứu bắt đầu chứng minh những tần số âm nhạc cổ xưa này tác động tích cực đến cơ thể con người.

Một trong số đó là Tiến sĩ Lee Lorenzen – người đã phát hiện ra hiệu ứng cộng hưởng của các tần số đối với các phân tử nước. Tiến sĩ Lorenzen đã sử dụng năng lượng điện từ (rung động) khiến nước kết tụ thành các tinh thể lục giác tuyệt đẹp. Các tinh thể nước này có thể di chuyển tự do qua thành tế bào và vận chuyển chất dinh dưỡng, loại bỏ chất thải và giúp duy trì sự liên lạc thích hợp giữa các tế bào.

Bí mật của các tần số âm nhạc

Nếu chúng ta tiếp tục áp dụng phương pháp đơn giản hóa con số của Pythagoras cho 9 tần số trên, sẽ phát hiện rằng số đơn cuối cùng đều là 3, 6, 9. Cụ thể:

174 hay 471 hay 741 đều = 1+7+4 = 12 = 1+2 = 3

285 hay 528 hay 852 đều = 2+8+5 = 15 = 1+5 = 6

369 hay 639 hay 963 đều = 9+6+3 = 18 = 1+8 = 9

Có không ít nhà khoa học coi 963 Hz là tần số của Thần, vì nó có thể quy chính lại tinh thần của chúng ta và đưa lên cảnh giới cao để khai mở thể tùng quả, cũng tức là mở Thiên nhãn – con mắt thứ ba. Qua đó, tiếp xúc được với sinh mệnh tầng thứ cao ở thời gian và không gian khác, cũng là nói tiếp xúc với Thần.

Còn về việc tại sao nên nghe nhạc ở tần số 432 Hz thay vì tần số phổ biến hiện nay là 440 Hz, có một số giải thích như sau:

Bề mặt Trái đất có một loại cộng hưởng tên là “Cộng hưởng Schumann” (Schumann Resonance). Loại cộng hưởng này có tần số 7,83 Hz. Tim người cũng đập ở tần số 7,83 Hz. Khi sóng não ở mức 7,83 Hz, đó là một trạng thái thoải mái với biểu hiện buồn ngủ mơ màng, đây là trạng thái thích hợp nhất để tế bào tái tạo. Nếu 7,83 Hz được điều chỉnh theo cao độ tiêu chuẩn của nốt A (La), nó sẽ là 432 Hz.

Các nhà khoa học phát hiện, cho dù là người Babylon cổ đại hay người Ai Cập cổ đại, trong những nền văn minh cổ đại đó đều thấy bóng dáng của con số 432.

Ví dụ, trong văn bản của người Babylon cổ đại, con số 432 được sử dụng để mô tả thời gian giữa lúc Sáng thế và Đại hồng thủy, đó là 432.000 năm. Còn người Ai Cập cổ đại sử dụng số 432 để mô tả mối quan hệ giữa kim tự tháp và Trái đất, ví như 43200 chiếc đại kim tự tháp vừa hay bằng với kích thước của Trái đất.

Cuốn “Tăng Hầu Ất Chung Minh” là một cuốn sách quy chuẩn về âm nhạc trong thời cổ đại của Trung Quốc. Theo tính toán trong sách, thập nhị luật trong âm nhạc thời nhà Chu có cao độ tiêu chuẩn là 864,07 Hz, nếu hạ xuống một quãng tám thì nó là 432,035 Hz.

Tần số âm nhạc trong thời cổ đại trên khắp thế giới về cơ bản là 432 Hz, có nghĩa là 432 Hz là tần số thoải mái nhất cho thính giác của con người. Nói cách khác, 432 Hz là tần số của Trái đất, cũng là tần số của nhịp tim con người, là sự cộng hưởng cùng tần số giữa con người và Trái đất.

Nếu tần số của nhịp tim con người thay đổi, hoặc tần số của ý thức con người thay đổi, Trái đất sẽ bị ảnh hưởng.

Hiện nay với sự phát triển của công nghệ, nhân loại đã trở nên hoàn toàn phụ thuộc vào cái gọi là hệ thống cung cấp điện, thiết bị viễn thông và máy tính “tiên tiến”. Nhưng chính những hệ thống tiên tiến này lại tạo ra trường điện từ mạnh mẽ, những tần số điện từ này gây hại cho tinh thần và thể xác con người, trực tiếp dẫn đến bùng phát các bệnh ung thư, bệnh tim, trầm cảm. Đây chính là nguyên nhân khiến những người sống ở các thành phố lớn dễ dàng bực dọc, tức giận.

Quan trọng hơn là vào năm 1939, trong thế giới âm nhạc của con người đã xảy ra một sự kiện lớn làm thay đổi hoàn toàn tần số âm nhạc có năng lượng chữa bệnh và phục hồi. Năm 1939, Hội nghị Cao độ Tiêu chuẩn Quốc tế được tổ chức ở London đã đặt cao độ tiêu chuẩn thành 440 Hz. Nhưng câu chuyện thực sự bên trong là thế này. Được mời tham dự Hội nghị là những nhạc sĩ, kỹ sư, nhà sản xuất nhạc cụ, nhà vật lý học… những người đã ngầm thống nhất với nhau đưa cao độ tiêu chuẩn về 440 Hz. Còn những người không đồng ý lại hoàn toàn không nhận được lời mời tham dự cuộc họp này.

Ngoài ra, trong thang âm, tần số 528 Hz tương ứng với nốt nhạc thứ ba – Mi – nó bắt nguồn từ cụm từ ‘MI-ra gestorum’ trong tiếng Latinh, có nghĩa là ‘phép lạ’. Đây là nốt nhạc kỳ diệu của vũ trụ – Love (tình yêu thương, lòng từ bi), cho nên nó có tác dụng chữa bệnh cực kỳ mạnh.

Không chỉ vậy, 528 Hz còn có thể được mô tả thành độ dài của sóng ánh sáng và một phần của quang phổ điện từ. Các nhà khoa học đã có một khám phá bất ngờ rằng, 528 Hz rất gần với trung tâm của quang phổ màu. Giống như 432 Hz tương ứng với tần số của Trái đất, 528 Hz tương ứng với tần số của vũ trụ.

Âm nhạc nào chữa bệnh tốt nhất?

Trên thực tế, bản thân âm nhạc là sóng âm thanh được tạo ra bởi sự rung động của các hạt lạp tử. Các hạt vi mô khác nhau tạo ra các sóng âm thanh khác nhau.

Những tần số thang âm cổ xưa ấy, chỉ cần chúng phù hợp với sóng âm thanh của các tần số khác nhau của vũ trụ, dù là cao hay thấp thì đều có lợi cho người, chỉ là mức độ chữa bệnh sẽ khác nhau.

Trong khi đó, tần số 440 Hz được các nhà khoa học coi là không phù hợp với tần số của Trái đất, hay rộng hơn là vũ trụ, cho nên nó có hại cho con người. Vì vậy, khi quý vị chọn nghe nhạc, hãy chú ý một chút xem nhạc phẩm đó ở tần số bao nhiêu.

Nói về chữa bệnh, hiện nay trên Internet có đủ các chủng các loại nhạc chữa bệnh, nhưng loại nhạc nào có tác dụng rõ rệt nhất?

Nếu đứng từ quan điểm của cơ học lượng tử, đối ứng với tần số thấp và tần số cao là những ngôi sao và hành tinh ở thời gian và không gian khác nhau trong vũ trụ.

Không biết quý vị đã từng nghe câu nói “Một ngôi sao trên trời, một con người dưới đất” chưa? Câu này ý nói rằng mỗi một người trên Trái đất này đều đối ứng với một ngôi sao trong vũ trụ, đều là Thần ở trên trời hạ phàm làm người thường.

Nếu như câu nói này đúng, chúng ta không khỏi thắc mắc rằng làm Thần Tiên ắt hẳn rất tiêu diêu tự tại, cớ gì phải làm người bôn ba khổ sở như vậy? Nhân câu hỏi này, xin giới thiệu tới quý vị bài viết “Vì sao có nhân loại”, biết đâu ta có thể tìm thấy đáp án trong đó.

Quay trở lại với chủ đề trên, nếu mỗi một con người đối ứng với một ngôi sao, mà mỗi một ngôi sao lại có tần số riêng, vậy tần số càng cao càng dễ tiếp cận với thế giới Thiên quốc và Thần.

Sự rung động của mỗi một tế bào trong thân thể ở không gian – thời gian ba chiều này của chúng ta lại do hoạt động suy nghĩ của chúng ta tạo ra. Hoặc là nói, sự biến đổi của thân thể này có liên quan chặt chẽ đến những ý nghĩ xuất phát từ tâm trí của chúng ta.

Nếu như phù hợp với đặc tính của vũ trụ, suy nghĩ của con người có thể cộng hưởng với sự dao động của các hạt lạp tử trong các thời gian và không gian khác của vũ trụ. Nếu không phù hợp với đặc tính của vũ trụ, tức là nó đang chạy ngược với tần số vũ trụ, vậy sẽ mang lại bệnh tật cho bản thân.

Mà tư duy của một người có phù hợp với đặc tính của vũ trụ hay không, nó lại phụ thuộc vào chuẩn mực đạo đức của con người. Đặc tính của vũ trụ ấy, Đạo gia gọi là Đạo, Phật gia gọi là Phật Pháp.

Song, các tần số âm thanh khác nhau chỉ có thể cải biến những thứ bề mặt ở thế gian con người, còn để thực sự thay đổi từ căn bản, muốn chữa lành tinh thần, đề cao tâm linh, tu sửa ADN, chúng ta phải bắt đầu từ việc nâng cao đạo đức và cảnh giới tinh thần ở tầng thâm sâu.

Dù là 528 Hz hay 963 Hz, chúng đều phù hợp với tần số của nốt nhạc kỳ diệu Love (tình yêu thương, lòng từ bi) và tạo ra cộng hưởng.

Ở Trung Quốc cổ đại, bản thân âm nhạc là một hình thức trị liệu. Trong chữ Hán, hai chữ Nhạc (樂) và Dược (藥) có sự tương thông, chúng chỉ khác nhau ở bộ thảo (艹, ý chỉ cây cỏ). Âm nhạc Trung Quốc dựa trên thang âm Ngũ cung, đối ứng với Ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) và Ngũ tạng (phế, can, thận, tâm, tỳ – phổi, gan, cật, tim, lách), chúng liên quan mật thiết đến quy luật và đặc tính của vũ trụ Ảnh: Chữ Dược 藥 (thuốc) là từ chữ Nhạc 樂 (âm nhạc) mà ra. (Hình ảnh từ video của Shen Yun)

Theo nghiên cứu hơn 20 năm của Phó giáo sư Dương Thạc Anh của Đại học Trung Sơn Đài Loan, âm nhạc không những có loại tốt, loại xấu, mà còn chia thành các tầng thứ. Dựa vào mức năng lượng của Tiến sĩ người Mỹ David R. Hawkins, ông Dương đã hệ thống và phân loại âm nhạc theo các thang đo mức năng lượng như sau:

  • Dưới 200 điểm là nhạc Heavy metal, Hip-hop, Rap, Electro, và đại bộ phận nhạc Pop. Chúng thể hiện sự kiêu ngạo, phẫn nộ, tự ti và những trạng thái cảm xúc tiêu cực khác.
  • Từ 200 – 300 điểm là âm nhạc thập niên 80, nằm giữa ranh giới Chính và Không Chính. Ở mặt Chính, nó thể hiện đạo đức và dũng khí.
  • Tiếp theo, từ 992 – 996 điểm là nhạc Mozart và Beethoven. Chúng thể hiện sự từ bi, thiện lương, lòng nhân ái, khả năng chịu khổ và sự kiên trì nhẫn nại.
  • Từ 1.000 điểm cho đến lớn vô hạn là âm nhạc giao hưởng Shen Yun, thể hiện Thần, Thần tính cao độ.

Có lẽ quý vị sẽ thắc mắc nhạc Shen Yun là gì? Đó là âm nhạc do Đoàn Nghệ thuật Shen Yun có trụ sở tại Hoa Kỳ biểu diễn. Shen Yun được thành lập vào năm 2006, với sứ mệnh là phục hồi “Tinh hoa văn hóa 5.000 năm của Trung Hoa” – nền văn hóa vốn gần như bị phá hủy kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc khởi xướng cuộc Cách mạng Văn hóa.

Shen là Thần, Yun là Vận, hay vận vị, thần thái. Shen Yun mang ý nghĩa là vẻ đẹp của những vị Thần đang múa. Âm nhạc của Shen Yun có sức thẩm thấu cao. Sau khi xem buổi biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật Shen Yun, rất nhiều khán giả trong giới thượng lưu Âu – Mỹ đã bày tỏ rằng thân tâm như được gột rửa, đau đớn trên thân thể rõ ràng biến mất, rất nhẹ nhàng, dường như được trở về thiên đường, tràn đầy hy vọng cho tương lai…

https://www.shenyuncreations.com/vi-VN/embed/_video_08921bd2cc344cf3bf02ca4b116f77d5/Encore-Dancing-for-the-Divine

Vậy nên, nếu Đoàn Nghệ thuật Shen Yun tới lưu diễn ở đất nước bạn đang sống, đừng bỏ lỡ, biết đâu bạn sẽ có những trải nghiệm tương tự!

Xinbuxinyouni

Nam Phương biên dịch

Nguồn: https://www.ntdvn.net/van-hoa/am-nhac-an-chua-mat-ma-vu-tru-am-nhac-nao-co-tac-dung-chua-benh-tot-nhat-432112.html

Posted in Article, Bài đọc hay, Kiến Thức Âm Nhạc, Lịch sử, Linh tinh | Tagged , , , , | Leave a comment

Mùa Xuân Kinh Kha*

Sáng tác mới cho mùa xuân Quý Mão 2023

… Đàn chim én tung bay trên đồi, xuân lại đến đây rồi. Mùa xuân đến ai ơi, bày chim hót vang trời.

Mùa Xuân Kinh Kha* -Trần Kim Bằng

Kỷ niệm trại đêm tuyên hứa. Nhớ Trưởng Hướng đạo Nguyễn Đức Lập.

1. Nắn nót một khúc tâm tình, say sưa giọng hát quanh mình. Đàn rung tiếng tơ vương bao lần, khi hoàng hôn dần tan. Nhớ mãi ngày chúng ta cùng, bên nhau dạo khúc yêu người, hòa chung giấc mơ đi xây đời, đêm ngồi hát vang trời.

Trăng cười hé chen mây, rơi rụng lá phong bay, chậm trôi trên dòng sông, miên man. Buông nhịp phách cung tơ, mau dệt những đêm thơ, quyện vương bao êm ~ đềm, khua tan, đêm tịch liêu…

Réo rắt mượn phím cung đàn, câu ca hòa ánh trăng vàng, cùng tinh tú, sao đêm mơ màng, ru hồn ta đầy vơi. Tiếng hát vọng mãi trong đời, thanh xuân nguyện ước không rời. Đàn chim én tung bay trên đồi, xuân lại đến đây rồi. Mùa xuân đến ai ơi, bày chim hót vang trời.

2. Tí tách rộn ánh lửa hồng, nam nhi phỉ chí tang bồng, vì đất nước non sông chung lòng, đi dựng xây ngày mai. Ánh đuốc rực sáng đêm trường, cha ông nòi giống kiên cường. Trần, Lê, Lý uy danh vang lừng, gương liệt nữ, anh hùng.

Bao cặp mắt long lanh, câu thề hứa hy sinh, mặc sương rơi lạnh căm trong đêm. Chiêng lệnh, trống oai nghiêm, gươm trần tuốt trên tay, vạn Kinh Kha* lên ~ đường, gian lao … ta ngại gì.

Với những nhiệt huyết đong đầy, ra đi vì nước không sờn, hờn quốc phá gia vong nô dịch, xua tàn dư đập tan. Chính nghĩa toàn thắng hung tàn, giang sơn thời thế xoay vần, lòng son sắt yêu quê hương mình, xin nguyện mãi trung thành.

Kết: Vì yêu mến quê hương, đoàn trai tráng lên đường (2 lần).

Vì yêu mến quê hương, đồng ca khúc lên đường.

• Kinh Kha, nhân vật truyền thuyết Trung Hoa, tráng sĩ vượt sông Dịch vào nước Tần để ám sát Tần Thủy Hoàng (Sử ký “Tư Mã Thiên”)

Copyrights: January 2023.

Posted in Activities, Article, Events, Nhạc Xuân, Sáng Tác Mới, You tube | Tagged , , , , , , | Leave a comment

Chuyện Tình Mình – Dĩ Vãng Buồn Video

Bài này có Karaoke, các bạn có thể rên rỉ, thử xem Bolero này có gì khác Bolero thời chiến xưa?

Posted in Activities, Audio, Duyên, Tình ca, TKB's Karaoke Songs, Trần Kim Bằng | Tagged , , , , | Leave a comment

Tại sao những ca khúc sáng tác trước 1975 được ưa chuộng? – Nguyễn Văn Tuấn

bameque

Hôm nọ, có người phàn nàn là Việt Nam không có những bài hát hay. Tôi thì nghĩ khác, vì Việt Nam có những bài hát hay, có thể họ chưa nghe đó thôi. Chúng ta thử tìm về nhạc thời trước 1975 ở miền Nam xem, có nhiều bài hay lắm chứ, và vẫn còn lưu truyền cho đến ngày nay dù nó bị vùi dập nhiều lần …
Câu hỏi đặt ra là tại sao những bài ca đã được sáng tác hơn nửa thế kỷ trước mà đến nay vẫn còn được giới thưởng ngoạn, từ bình dân đến lịch lãm, đều ưa thích. Tôi nghĩ đến 4 lý do và cũng là đặc điểm của những ca khúc trước 1975 ở miền Nam: tính nhân văn, tự do tư tưởng, tính phong phú, và giàu chất nghệ thuật.
Nhân văn
Thứ nhất là đậm chất nhân văn. Nếu nhìn lại những bài ca trước 1975 ở miền Nam và so sánh với những sáng tác ở miền Bắc, tôi nghĩ ít ai có thể bác bỏ tính nhân văn trong các sáng tác ở trong Nam. Khi nói “nhân văn”, tôi không chỉ nói đến những sáng tác về thân phận con người, mà còn kể cả những sáng tác thuộc dòng nhạc lãng mạn, trữ tình, nói lên cảm xúc của con người trước thời cuộc.
Người ta thường phân nhóm những sáng tác của Trịnh Công Sơn thành hai nhóm tình yêu và thân phận, nhưng tôi nghĩ cách phân nhóm đó cũng có thể áp dụng cho nhiều nhạc sĩ khác như Từ Công Phụng chẳng hạn. Tình yêu không chỉ là tình yêu đôi lứa, mà còn tình yêu quê hương đất nước (“Tôi đi xem để thấy những gì yêu dấu Việt Nam”) và giữa người với người “Tôi yêu bác nông phu đội sương nắng bên bờ ruộng sâu”).
Thỉnh thoảng cũng có một vài bài có chất “máu” (như câu “nhưng thép súng đang còn say máu thù” trong bài “Lính xa nhà”), nhưng cho dù như thế thì câu kết vẫn có hậu “Hẹn em khi khắp trời nở đầy hoa có tôi về”. Có thể nói rằng cái đặc tính nhân văn và nhân bản của những ca khúc trước 1975 ở miền Nam là yếu tố mạnh nhất để phân biệt so với các ca khúc cùng thời ngoài Bắc, vốn lúc nào cũng có nhiều mùi máu và súng đạn.
Nhac sị mien nam truoc 1975
Ảnh: các nhạc sĩ miền Nam Việt Nam trước 1975.
Nghệ thuật
Cái đặc điểm nổi bật thứ hai là tính nghệ thuật trong các ca khúc. Khi nói “nghệ thuật” tôi muốn nói đến những lời ca đẹp, giàu chất thơ, và những giai điệu đẹp. Những bài ca mà ngay cả từ cái tựa đề đã đẹp. Những Dấu tình sầu, Giáng ngọc, Mùa thu cho em, Nghìn trùng xa cách, Tuổi biết buồn, Thà như giọt mưa, Giọt mưa trên lá, Hạ trắng, Diễm xưa, Ướt mi, và biết bao tựa đề có ý thơ và sâu lắng như thế đã đi vào lòng người thưởng ngoạn.
Thử so sánh những tựa đề của các sáng tác cùng thời ngoài Bắc như Bài ca năm tấn, Em đi làm tín dụng, Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng, Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc, v.v… thì chúng ta dễ dàng nhận ra sự khác biệt.
Lời ca trong những ca khúc trước 1975 ở miền Nam cũng là những lời đẹp. Tôi thán phục những nhạc sĩ như Phạm Duy, Trầm Tử Thiêng, Hoài Linh [không phải anh hề], Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên (và nhiều nữa) đã viết ra những lời ca đi vào lòng người. Không phải chỉ đơn giản nhân văn theo kiểu những ý tưởng trừu tượng trong sáng tác của Trịnh Công Sơn (ví dụ như “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi”, hay “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”), nhưng có khi đi thẳng vào vấn đề như Phạm Duy (“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời”).
Còn nhiều nhiều bài đã đi vào lòng người qua những lời ca đẹp và giản dị: “Hôm xưa tay nắm tay nhau anh hỏi tôi rằng: ‘Những gì trong đời ta ghi sâu vào tâm tư / Không tan theo cùng hư vô, không theo tháng năm phai mờ / Tình nào tha thiết anh ơi?”. Có những lời ca mà tôi nghĩ giới trẻ ngày nay có thể mỉa mai cười khẩy nói sến, nhưng tuổi trẻ thì thường chưa đủ lớn để cảm những câu như “Phút ban đầu ấy / Thư xanh màu giấy viết nhưng chưa gởi em / Ngõ đi chung một lối / Đôi khi định nói với em một lời.”
Không biết từ thuở nào mà tôi đã mê bài Trộm nhìn nhau và đã từng dự báo rằng bài này có ngày sẽ nổi tiếng. Thời đó, tôi mới về thăm nhà sau 20 năm xa cách, và nhìn người xưa, tôi thấy những câu “Ðôi khi trộm nhìn em / Xem dung nhan đó bây giờ ra sao / Em có còn đôi má đào như ngày nào” sao mà hay quá, hợp cảnh quá. Chỉ trộm nhìn thôi. Lời nhạc rất thơ.
Mà, thật vậy, đa số những lời ca trong các sáng tác trước 1975 được viết ra như vẫn vần thơ hoặc phổ từ thơ. Người phổ thơ thành nhạc hay nhất là Nhạc sĩ Phạm Duy, được xem như là một “phù thủy âm nhạc”. Chính vì thế mà âm nhạc trước 1975 có những lời ca sang trọng. Thời nay, trong môi trường những ca khúc dung tục, rất hiếm thấy những ca khúc có những lời ca đẹp như trước.
Lạ một điều là cũng là nhạc tuyên truyền (ở ngoài Bắc gọi vậy) hay nhạc tâm lí chiến (cách gọi trong Nam), nhưng những sáng tác trong Nam thì lại được người dân nhớ và xưng tụng. Sau cuộc chiến, những bài gọi là “nhạc đỏ”, dù được sự ưu ái của nhà cầm quyền văn hóa, chẳng ai nhớ hay muốn nhớ đến chúng.
Ngược lại, những sáng tác về người lính ở trong Nam thời trước 1975 thì lại còn lưu truyền và nuôi dưỡng trong lòng dân, dù nhà cầm quyền ra sức cấm đoán! Ngay cả những người lính miền Bắc cũng thích những bài hát về lính của các nhạc sĩ trong Nam. Tại sao vậy? Tôi nghĩ tại vì tính nghệ thuật và nhân bản trong những sáng tác ở miền Nam. Người lính, cho dù là lính cộng sản hay cộng hòa, thì vẫn cảm được những câu “Con biết xuân này mẹ chờ tin con / Khi thấy mai đào nở vàng bên nương” hay “Thư của lính, ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay”. Những lời ca đó không có biên giới chính trị.

nhac-bi-cam-o-viet-nam

Ảnh: Nhiều bản nhạc trước 1975 bị chính quyền cộng sản cấm hát
Tự do
Đặc điểm thứ ba là tự do. Dù có kiểm duyệt, nhưng nói chung các nghệ sĩ trước 1975 ở miền Nam có tự do sáng tác. Không ai cấm họ nói lên nỗi đau và những mất mát của chiến tranh. Không ai “đặt hàng” họ viết những bài ca tụng lãnh đạo như ngoài Bắc. Thật vậy, nhìn lại dòng nhạc thời đó, chẳng có một ca khúc nào ca tụng ông Nguyễn Văn Thiệu cả. Có một bài ca tụng ông Ngô Đình Diệm, nhưng cũng chẳng ai ca vì nó được dùng trong mấy rạp chiếu bóng là chính. Thay vì ca ngợi “lãnh tụ” dòng nhạc miền Nam ca ngợi con người và dân tộc, nhưng cũng đồng thời nói lên nỗi đau của chiến tranh.
Trịnh Công Sơn viết hẳn một loạt “Ca khúc Da Vàng” (mà hình như cho đến nay vẫn chưa được phép phổ biến). Trong thời chiến mà họ vẫn có thể phổ biến những sáng tác không có lợi cho chính quyền. Những ca khúc như “Dù anh trở về trên đôi nạng gỗ / Dù anh trở về bằng chiếc xe lăn” chắc chắn không có cơ may xuất hiện trong âm nhạc miền Bắc thời đó (và ngay cả sau này). Một trong những ca khúc nổi tiếng nhất trong thời chiến có lẽ là bài “Kỷ vật cho em” (phổ thơ của Linh Phương) với những lời ca ray rứt, bi thảm: “Anh trở lại có thể bằng chiến thắng Pleime / Hay Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giã / Anh trở về anh trở về hàng cây nghiêng ngả / Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa / Anh trở về bằng chiếc băng ca / Trên trực thăng sơn màu tang trắng.” Nghe nói ca khúc này đã làm cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa rất khó chịu với nhạc sĩ.
Tiêu biểu cho tinh thần tự do sáng tác có lẽ là tự sự của Phạm Duy: “Tôi đưa ra một câu nói thôi: ‘Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi’ đất nước bơ vơ, nó rối bù đi thì tôi phải khóc thôi. Lúc nào mà đoàn kết thì tôi cười theo. Khóc cười theo mệnh nước. Cái xã hội mình nó rối tung lên như vậy thì làm sao mà mình … Thành thử tôi nghĩ rằng vấn đề là … Các anh yêu tôi thì nói là tôi có sự nghiệp hơi đầy đủ, hơi lớn một tí đấy, nhưng mà riêng tôi thì tôi thấy cho đến giờ phút này thì tôi hoàn toàn thất bại. Bởi vì đất nước đã thống nhất rồi mà lòng người thì không thống nhất, thành thử đại khái nếu mà tôi có chết đi thì tôi hãy còn gần như là tôi không được thỏa mãn.”
Cái tính tự do còn thể hiện qua một thực tế là chính quyền thời đó không cấm đoán việc phổ biến các nhạc sĩ còn ở ngoài Bắc. Những sáng tác của Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, Đoàn Chuẩn – Từ Linh, v.v…đều được phổ biến thoải mái trong Nam. Ngay cả bài quốc ca mà chính quyền vẫn sử dụng bài “Tiếng gọi thanh niên” của Lưu Hữu Phước vốn là một người cộng sản. Ngược lại, nhà cầm quyền ngoài Bắc thì lại cấm, không cho phổ biến các sáng tác của các nhạc sĩ trong Nam hay đã vào Nam sinh sống.
Đa dạng
Đặc điểm thứ tư của âm nhạc ngày xưa là tính phong phú về chủ đề. Khác với nhạc ngoài Bắc cùng thời tất cả dồn cho tuyên truyền và kêu gọi chiến tranh, các sáng tác trong Nam không kêu gọi chiến tranh nhưng yêu thương kẻ thù. Nhạc thời đó đáp ứng cho mọi nhu cầu của giới bình dân đến người trí thức, từ người dân đến người lính, từ trẻ em đến người lớn quan tâm đến thời cuộc, từ tình yêu lãng mạn đến triết lýhiện sinh, từ tục ca đến đạo ca, từ nhạc trẻ đến nhạc “tiền chiến”, từ nhạc tâm lý chiến (tuyên truyền) đến nhạc chống chiến tranh, nói chung là đủ cả. Không chỉ sáng tác bằng tiếng Việt mà còn trước tác hay dịch từ các ca khúc nổi tiếng ở nước ngoài để giới thiệu cho công chúng Việt Nam.
Tôi nghĩ bốn đặc điểm đó có thể giải thích tại sao những ca khúc dù đã sáng tác hơn nửa thế kỷ trước mà vẫn còn phổ biến và được yêu chuộng cho đến ngày nay. Mai kia mốt nọ, nếu có người viết lại lịch sử âm nhạc, tôi nghĩ họ sẽ ghi nhận những sáng tác thời trước 1975 ở miền Nam là một kho tàng vàng son của âm nhạc Việt Nam. Như là một quy luật, những bài hát tuyên truyền thô kệch và nhồi sọ, những bài ca sắt máu, những sáng tác kêu gọi giết chóc và hận thù sẽ bị đào thải, và thực tế đã chứng minh điều đó. Ngược lại, chỉ có những sáng tác đậm tính nhân văn, giàu chất nghệ thuật, và phong phú xuất phát từ tinh thần tự do, thì mới tồn tại theo thời gian.

NGUYỄNVĂN TUẤN

Posted in Article, Bài đọc hay, Kiến Thức Âm Nhạc, Lịch sử, Linh tinh | Tagged , , | Leave a comment